Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Ai mất gì và tại sao?

Ngày 07/04/2018

Những bản ghi nhớ hàng trăm tỉ đô la Mỹ về thương mại trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump sang Trung Quốc không làm cho ám ảnh về bóng ma cuộc chiến thương mại tan biến khi thâm hụt với Trung Quốc tiếp tục tăng kỷ lục vào cuối năm 2017.
Lo lắng này càng gia tăng khi Tổng thống Trump vừa ký một bản ghi nhớ áp đặt mức thuế mới đối với 1.300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị 60 tỉ đô la Mỹ. Vẫn còn ít nhất 15 ngày nữa để biết liệu những mặt hàng nào bị Mỹ áp thuế và 30 ngày sau đó để xem Mỹ sẽ triển khai cụ thể như thế nào.

Tổn thất có thể của mỗi bên

Nếu cuộc chiến thương mại leo thang, bên tổn thất lớn hơn có thể là Trung Quốc. Trước hết, xuất khẩu hàng hóa từ Mỹ sang Trung Quốc chỉ chiếm chưa đầy 1% GDP và 8% tổng xuất khẩu của Mỹ. Trong khi đó xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chiếm gần 4% GDP và 20% xuất khẩu của quốc gia này. Giá trị gia tăng từ xuất khẩu sang Mỹ chiếm 3% GDP của Trung Quốc. Mặc dù nhiều công ty Mỹ đang đầu tư ở Trung Quốc nhưng nếu các căng thẳng thương mại không được giải quyết, Trung Quốc sẽ chịu tác động kinh tế trực tiếp lớn hơn Mỹ.

Một hệ quả khác khiến Trung Quốc lo lắng hơn là việc EU, Mỹ và Nhật Bản có thể liên kết với nhau thành một trận tuyến trong cuộc chiến này và đó là tổn thất lớn tới mức Trung Quốc không thể trả nổi. Rõ ràng, không chỉ doanh nghiệp Mỹ, nhiều doanh nghiệp châu Âu đã lên tiếng bày tỏ sự bất bình về việc môi trường kinh doanh tại Trung Quốc ngày càng khó khăn liên quan đến việc vi phạm sở hữu trí tuệ, bị buộc chuyển giao công nghệ hoặc các ưu đãi công khai quá mức của Chính phủ Trung Quốc dành cho doanh nghiệp bản địa.

Thứ ba, nếu các bất đồng thương mại và vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ chậm được giải quyết, Trung Quốc sẽ tiếp tục không được Mỹ và EU công nhận là nền kinh tế thị trường. Điều này là bất lợi lớn đối với Trung Quốc.

Cuối cùng, cánh cửa đầu tư vào thị trường Mỹ của doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Tổn thất thực sự của Mỹ là gì? Khi Trung Quốc có thêm các biện pháp trả đũa, người tiêu dùng Mỹ có thể trở thành đối tượng chịu thiệt thòi đầu tiên do giá cả các hàng hóa nhập khẩu tăng lên. Nhưng tổn thất này có thể đã bị thổi phồng. Bởi chúng ta biết rằng, mặc dù giá niêm yết cổ phiếu các công ty sắt thép, nhôm hay các công ty như Boeing đã giảm ngay lập tức vào ngày 23-3-2018 thì đó chỉ là sự phản ứng nhất thời của thị trường. Khi chính quyền của Tổng thống Trump đã loại bỏ các nước châu Âu, Hàn Quốc, Úc, Mexico khỏi danh mục các nước bị áp thuế mới lên mặt hàng thép và nhôm, lượng thép và nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc chỉ còn chiếm 2% tổng mức tiêu thụ của Mỹ.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc gây khó dễ cho những công ty lớn như Apple, Boeing, Intel... trên thị trường Trung Quốc sẽ là áp lực lớn mà Mỹ phải lường trước. Quí 4-2017, doanh thu của Apple từ Trung Quốc là 18 tỉ đô la Mỹ, chiếm tới 20% doanh thu của hãng. Boeing năm 2017 cũng xuất khẩu sang Trung Quốc được 12 tỉ đô la Mỹ, chiếm 13% tổng doanh thu. Không chỉ các hãng công nghệ, các công ty hàng tiêu dùng lớn của Mỹ cũng có thể chịu tác động tiêu cực. Quí 4-2017, doanh thu của Nike từ thị trường Trung Quốc là 1,2 tỉ đô la Mỹ, chiếm 15% doanh thu của công ty. Liên doanh với Trung Quốc của công ty ô tô GM năm ngoái tiêu thụ được 400.000 chiếc - mức cao kỷ lục. Trong khi đó, các khách hàng Trung Quốc đem lại cho Starbucks 14% doanh thu mỗi năm.

Những điều tra liên quan đến chống độc quyền hoặc các biện pháp quản lý, kiểm tra hành chính mới có thể sẽ khiến hoạt động của các công ty lớn của Mỹ tại Trung Quốc thêm khó khăn. Nội dung và thứ tự các khó khăn mà doanh nghiệp Mỹ gặp phải ở Trung Quốc đã thay đổi. Theo số liệu của AmCham, nếu như giai đoạn 2013-2015, khó khăn lớn nhất là chi phí lao động gia tăng, tiếp theo đó là sự gia tăng của các quy định và kiểm tra hành chính thì từ 2016-2017 nỗi lo lớn nhất đã trở thành sự gia tăng của các quy định và kiểm tra hành chính không rõ ràng. Đồng thời, chủ nghĩa bảo hộ kiểu Trung Quốc đã từ vị trí thứ 5 nhảy lên thứ 3 trong số các lo ngại của doanh nghiệp Mỹ.

Trung Quốc có thể “làm gì” nếu Mỹ “làm gì”?

Ngành nông nghiệp và hàng không của Mỹ có thể là hai lĩnh vực hứng chịu các biện pháp trả đũa từ phía Trung Quốc. Năm 2016, Trung Quốc nhập khẩu 21,4 tỉ đô la Mỹ hàng nông nghiệp từ Mỹ, trong đó có một nửa là đậu nành. Nông nghiệp là lĩnh vực xuất siêu của Mỹ với Trung Quốc. Các bang phát triển nông nghiệp mạnh cũng là những bang có đông cử tri bầu cho Tổng thống Trump. Ngoài ra, máy bay dân dụng cũng là một ngành có khả năng bị áp thuế mới. Tờ Thời báo Hoàn Cầu - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - cũng có bài bình luận cho biết Trung Quốc có thể hạn chế việc tiêu thụ xe hơi của Mỹ trên thị trường này.

Tuy nhiên, có thể thấy cách phản ứng của Trung Quốc thể hiện một số điểm. Thứ nhất, 128 mặt hàng với giá trị 3 tỉ đô la Mỹ là một con số mang tính tượng trưng. Thu 15-25% thuế của 3 tỉ đô la Mỹ cũng không phải là nhiều. Điều này khó có thể tạo áp lực lên hàng xuất khẩu nông nghiệp từ Mỹ sang Trung Quốc mà nó chỉ là tín hiệu muốn nói rằng “chúng tôi muốn răn đe và chúng tôi có các biện pháp đáp trả”. Thứ hai, Trung Quốc muốn kêu gọi Mỹ đối thoại để giải quyết vấn đề nhưng tình cảnh của hai nước hiện nay là đối thoại quá nhiều và hành động quá ít.

Hạn chế của các biện pháp trừng phạt thương mại song phương

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương làm chệch hướng thương mại. Trung Quốc hiện có 15 FTA có hiệu lực, 11 FTA trong số này đang được nâng cấp. Trung Quốc cũng khởi xướng hoặc thúc đẩy hai FTA khu vực đầy tham vọng là RCEP và APFTA. Nhiều nước trong số các FTA của Trung Quốc đang được hưởng các thuế suất ưu đãi hấp dẫn khi vào thị trường Mỹ. Điển hình như Việt Nam. Việc doanh nghiệp Trung Quốc làm khi có chiến tranh thương mại là xuất khẩu vào Mỹ từ một nước thứ ba. Điều này đương nhiên sẽ làm gia tăng thời gian và các chi phí đi kèm, nhưng vẫn khiến các lệnh trừng phạt thuế quan giảm tác dụng. Trong bối cảnh các FTA đã phủ trùm toàn cầu, cuộc chiến trực diện tay đôi dường như mang nhiều màu sắc chính trị hơn là để giành lấy các lợi ích kinh tế thực hữu.

Quy mô trừng phạt không lớn so với quy mô thương mại hai chiều Mỹ - Trung. Mỹ sẽ thu thêm được 25% tiền thuế từ 1.300 mặt hàng trị giá 60 tỉ đô la Mỹ - tức là 15 tỉ đô la Mỹ. Đây là con số rất nhỏ vì nó chỉ tương đương 2,5% quy mô thương mại hai chiều Mỹ - Trung, chưa kể việc Trung Quốc có thể trả đũa sẽ khiến hiệu quả của “đòn trừng phạt” từ Mỹ giảm tác dụng.

Vấn đề là mô hình tăng trưởng. Thâm hụt trên cán cân vãng lai có thể không phải vấn đề quá nghiêm trọng và không phản ánh thực sự bản chất của vấn đề bằng cán cân thanh toán tổng thể (BOP). Khi xem xét số liệu cán cân thanh toán tổng thể của Trung Quốc và Mỹ có thể thấy Trung Quốc thặng dư BOP còn Mỹ thâm hụt BOP liên tục. Điều này hàm nghĩa rằng Trung Quốc đang tiêu dùng quá ít còn Mỹ tiêu dùng quá nhiều.

Rủi ro thực sự của các cuộc chiến thương mại - tác động với thế giới và Việt Nam

Toàn bộ hệ thống thương mại thế giới hiện nay được tổ chức theo các chuỗi sản xuất đặt tại nhiều quốc gia. Vì vậy, rủi ro thực sự của các cuộc chiến thương mại là tạo ra tác động lan tỏa chứ không chỉ dừng lại ở phạm vi một nhóm nước. Hơn thế, đụng độ của hai cường quốc sẽ tạo ra tiền lệ để các nước khác làm theo trong bối cảnh kinh tế các nước đều có xu hướng quay về chủ nghĩa bảo hộ và đề cao chủ nghĩa dân tộc. Sự đảo lộn của môi trường thương mại toàn cầu sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế của tất cả các quốc gia.

Sự chệch hướng thương mại có thể làm thay đổi cán cân thương mại của nước thứ ba nếu các “đấu sĩ” muốn tìm một đường vòng để đi vào sân nhà của đối thủ. Trường hợp xuất khẩu thép của Trung Quốc được cho là đã đi qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ hồi năm 2016-2017 là một ví dụ. Nếu điều này xảy ra, Việt Nam có thể sẽ bị xếp chung vào một nhóm với Trung Quốc và gặp phải nhiều khó khăn hơn trong việc cải thiện quy mô và chất lượng xuất khẩu của mình. Điều này càng đặc biệt đáng lo ngại khi Mỹ đang là thị trường xuất khẩu số một của chúng ta.
 
(*) Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)

(1) Số liệu của Ủy ban Nghiên cứu kinh tế chiến lược Mỹ - Trung (Hoa Kỳ), năm 2016, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là 347 tỉ đô la Mỹ, năm 2017 tăng lên là 375,2 tỉ đô la Mỹ.
 
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn