Tín hiệu vui từ xuất khẩu gạo

Ngày 25/07/2017
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo có dấu hiệu tăng trưởng sau khoảng thời gian khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải tiếp tục chủ động tìm kiếm thị trường, tăng cường quản lý chất lượng và xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt...
 
Tiếp tục mở rộng thị trường
 
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 6-2017, cả nước đã xuất khẩu hơn 2,87 triệu tấn gạo, đạt giá trị kim ngạch 1,28 tỷ USD, tăng 8,2% về khối lượng và 8,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Huỳnh Thế Năng cho biết: Các thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam đều có dấu hiệu tăng trưởng. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 43% thị phần, tăng 35% về lượng và 33% về kim ngạch. Cụ thể, tổng lượng gạo xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2017 đạt 1,23 triệu tấn, đạt 557,3 triệu USD.
 
Tại các thị trường mới cũng tăng trưởng mạnh. Điển hình là Senegal, dù xuất khẩu gạo sang thị trường này chỉ đạt 13.345 tấn, đạt giá trị 4,5 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ đã tăng gấp 114 lần về lượng và gần 60 lần về kim ngạch. Các thị trường: Nga, Chilê, Bỉ… cũng tăng về lượng và kim ngạch.
 
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo tồn tại từ nhiều năm nay, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục tìm kiếm các hợp đồng xuất khẩu gạo.
 
Theo báo cáo của VFA, từ tháng 5-2017 đến nay, nhu cầu các hợp đồng tập trung tăng cao. Dự kiến, có khoảng 770.000 tấn gạo được các nước nhập khẩu nhận giao hàng từ nay đến tháng 8-2017. Đặc biệt, thị trường Philippines sẽ đấu thầu mua 250.000 tấn gạo trong tháng 7 và các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều khả năng được chọn. Tiếp đó, Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines cũng xem xét nhập khẩu 544.000 tấn gạo trong thời gian từ cuối tháng 7 đến tháng 9-2017. Ngoài ra, Bản ghi nhớ về thương mại gạo giữa Việt Nam và Bangladesh mới được ký gia hạn và sẽ có hiệu lực 5 năm, được đánh giá là nguồn nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam từ nay đến cuối năm và những năm tiếp theo của Bangladesh... VFA dự báo, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gạo sẽ đạt khoảng 5,7 triệu tấn, tăng khoảng 800.000 tấn so với năm trước.
 
Nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu
 
Tiến sĩ Đào Thế Anh, Viện Cây lương thực, cây thực phẩm cho rằng, muốn duy trì xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng như: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản... cần tập trung sản xuất gạo chất lượng cao. Trước hết, cần nghiên cứu bộ giống đáp ứng các loại gạo cấp 1, cấp 2 và cấp 3, đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô lớn, áp dụng quy trình thực hành canh tác bền vững cùng giống tiểu vùng. Đặc biệt, cần đầu tư, nghiên cứu cải thiện khâu sấy, bảo quản thóc; đầu tư đồng bộ dây chuyền công nghệ chế biến; tiến hành xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho gạo Việt Nam đồng nhất xuất khẩu và nội địa.
 
Hiện, Sở NN&PTNT các tỉnh đang tiến hành thống kê cơ cấu sản xuất, nêu rõ tên từng loại giống lúa để doanh nghiệp, tổ chức sản xuất có định hướng về bộ giống, tỷ lệ gieo cấy phù hợp nhằm khuyến cáo nông dân. Về phía các doanh nghiệp, Giám đốc Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình kiến nghị: Nhà nước và các bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập sự hiện diện thương mại trực tiếp ở các thị trường nước ngoài; có bộ phận chuyên trách về tiếp thị lúa gạo nói riêng và nông sản nói chung để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu như một số nước đã thực hiện. Nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị bỏ các đặc quyền có tính quản lý nhà nước của VFA; tổ chức lại VFA như một hiệp hội ngành bình thường, có sự tham gia của các thành phần trong chuỗi lúa gạo, nhất là người sản xuất trực tiếp, trong đó, các thành viên có quyền và nghĩa vụ ngang nhau.
 
Đỗ Minh
Nguồn: Báo Hà Nội Mới