Hơn 100.000 tấn điều bị kẹt cảng, doanh nghiệp kêu cứu
Việc trì hoãn vận chuyển của các hãng tàu, vì lý do chủ quan hay khách quan đang gây ra những tổn thất nặng nề cho cả người bán lẫn người mua.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Điều Việt Nam, hiện đang có trên 100.000 tấn điều thô do các hãng tàu như CMA CGM, Cosco… hợp đồng vận chuyển từ các quốc gia châu Phi (Bờ Biển Ngà, Nigeria, Ghana, Tanzania, Mozambique…) về Việt Nam đang gặp phải vấn đề bởi theo thông báo của các hãng tàu, tàu bị kẹt cảng tại cảng đi, cảng trung chuyển lẫn cảng đến (Port congrestion).
Chính vì vậy, thời gian vận chuyển của một số lô hàng, kể từ lúc xếp hàng lên tàu (ship on board) tới cảng đến mất 60-70 ngày (thông thường thời gian vận chuyển tối đa chỉ 30-45 ngày).
Có lô hàng về gần tới cảng đến thì mới có B/L gốc, có lô hàng nằm tại cảng trung chuyển (Malaysia, Singapore…) tới 30 ngày trước khi về Việt Nam. Khi về tới Việt Nam bị kẹt tại cảng Cát Lái do hàng hóa ùn ứ dẫn đến việc thông quan diễn ra rất chậm; một số cầu cân tại khu vực cảng đang gặp phải tình trạng quá tải...
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam đã ký công văn gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và Hiệp hội chủ hàng Việt Nam đề nghị các bộ, ngành tư vấn và có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu ngành điều.
Trong công văn, Hiệp hội này cho rằng, việc trì hoãn vận chuyển của các hãng tàu, vì lý do chủ quan hay khách quan đang gây ra những tổn thất nặng nề cho cả người bán lẫn người mua.
Đặc biệt, do đặc thù của hàng hóa vận chuyển từ châu Phi là hạt điều thô thường được xếp hàng lên container khi mà độ ẩm còn cao (>10%), vì vậy thời gian vận chuyển kéo dài, khi về tới Việt Nam, nguyên liệu sẽ bị giảm phẩm cấp, chất lượng, mọc mầm,… gây tổn thất nặng nề cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, do thời gian vận chuyển kéo dài, doanh nghiệp sẽ không có đủ lượng hàng hóa đưa vào sản xuất kịp thời để giao hàng cho các đơn hàng xuất khẩu điều nhân đã ký, sẽ bị khách hàng khiếu nại và yêu cầu đền bù hợp đồng.
Ngoài ra, cả người bán lẫn người mua phải chịu lãi ngân hàng lớn và mất hạn mức ngân hàng do thời gian vận chuyển hàng hóa kéo dài gây ra.
Theo Phan Thu
Nguồn: Báo Hải Quan
- Tin tức liên quan
-
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Ai mất gì và tại sao? Ngày 07/04/2018
-
Thịt bò nhập ngoại giá chỉ bằng 1/2 thịt nội: Có phải hàng quá “đát” được "hô biến"? Ngày 07/04/2018
-
Xuất khẩu sang Nhật Bản 5 tháng đầu năm 2017 đạt trên 6,5 tỷ USD Ngày 16/06/2017
-
Việt Nam chi 15 triệu USD để nhập khẩu thịt bò từ Mỹ, Australia trong 2 tháng Ngày 18/03/2018
-
Những lưu ý khi nhập hàng vào Australia Ngày 12/06/2017
-
Nông sản vào Nhật: khó trước, lợi sau Ngày 21/05/2017
-
Thách thức cho nông sản, thực phẩm xuất khẩu sang Mỹ Ngày 24/06/2017